Bốn năm trước, hơn 700 nhà khoa học máy tính đã tham gia một cuộc thi để xây dựng trí thông minh nhân tạo có thể vượt qua bài kiểm tra khoa học cấp tám. Phần thưởng của cuộc thi là 80.000 USD đang chờ đợi người chiến thắng.
Tuy nhiên, tất cả đều chùn bước. Ngay cả hệ thống tinh vi nhất cũng không thể trả lời đúng quá 60% câu hỏi trong bài kiểm tra. Lý do cũng khá đơn giản, khi trình độ của A.I thời điểm đó không thể theo kịp kĩ năng ngôn ngữ và khả năng suy luận logic của một học sinh lớp 10.
Nhưng đó là câu chuyện của bốn năm trước. Mới đây, viện Trí tuệ nhân tạo Allen, một phòng thí nghiệm nổi tiếng ở Seattle (Hoa Kỳ), đã hé lộ một hệ thống trí tuệ nhân tạo mới có khả năng trả lời đúng hơn 90% câu hỏi trong bài kiểm tra khoa học lớp 8, và hơn 80% trong bài kiểm tra lớp 12.
Được các nhà khoa học đặt tên là Aristo, hệ thống trí tuệ nhân tạo này được tối ưu để thực hiện các bài kiểm tra trắc nghiệm, với độ khó tương đương bài kiểm tra tiêu chuẩn mà học sinh ở thành phố New York phải thực hiện trong các kỳ thi.
Mặc dù vậy, Artisto vẫn tỏ ra chưa thực sự quá “thông minh” khi giải bài tập khi Viện Allen đã phải loại bỏ tất cả các câu hỏi liên quan tới hình học và đồ thị. Theo viện Allen, để trả lời các câu hỏi kiểu vậy đòi hỏi A.I phải có các kỹ năng bổ sung, kết hợp sự hiểu biết ngôn ngữ, logic với thị giác máy tính (Machine Vision) – một thử thách thực sự ở thời điểm hiện tại với nhiều nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo.
Trí tuệ nhân tạo chưa thực sự quá “thông minh” như chúng ta tưởng
Hiện tại, các phòng thí nghiệm nghiên cứu hàng đầu thế giới đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc phát triển A.I có thể hiểu ngôn ngữ và bắt chước khả năng lập luận logic và ra quyết định của con người. Không còn “vô tri vô giác”, máy móc đang trở nên tốt hơn trong việc phân tích tài liệu, tìm kiếm thông tin, trả lời các câu hỏi và thậm chí tạo ra ngôn ngữ của riêng mình.
Từ trước đến nay, các hệ thống A.I đã chứng tỏ sự xuất sắc vượt trội con người trong những trận đấu cờ vây, cờ vua hay những phép thử được thiết kế riêng cho trí tuệ nhân tạo. Vào năm 2016, khi một phòng thí nghiệm ở London xây dựng một hệ thống A.I Alpha GO có thể đánh bại những kỳ thủ giỏi nhất thế giới tại môn cờ vây, thành tích này đã được ca ngợi rộng rãi như một bước ngoặt cho trí tuệ nhân tạo.
Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, những thành tích này đã khiến chúng ta lầm tưởng về khả năng và trình độ thực sự của A.I ở thời điểm hiện tại. Mặc cho những lời cảnh báo từ Elon Musk về một trí thông minh nhân tạo toàn năng, có khả năng gây nguy hại tới loài người, những nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo vẫn phải làm rất, rất nhiều việc để A.I có thể đạt tới cảnh giới “tối thượng” như vậy.
Khác với việc chơi trò chơi, A.I không thể thực hiện một bài kiểm tra khoa học chỉ bằng cách học các quy tắc. Những bài kiểm tra kiểu vậy, đòi hỏi con người phải sâu chuỗi các dữ liệu khác nhau lại bằng logic. Chẳng hạn, sự gia tăng các vụ cháy rừng có thể giết chết sóc hoặc giảm nguồn cung cấp thực phẩm cần thiết cho chúng để phát triển và sinh sản, đấy chính là lập luận logic – điểm yếu chí tử của các hệ thống trí tuệ nhân tạo hiện nay.
“Chúng ta không thể so sánh công nghệ này với các học sinh thực thụ và khả năng suy luận của họ“, Jingjing Liu, một nhà nghiên cứu A.I làm việc Microsoft, người đã nghiên cứu nhiều công nghệ tương tự như Viện Allen khẳng định.
Được biết, cô Liu và các đồng nghiệp tại Microsoft đã cố gắng xây dựng một hệ thống A.I có thể vượt qua được bài thi GRE – bài kiểm tra tiêu chuẩn được sử dụng trong việc xét điều kiện nhập học sau đại học ở Mỹ. A.I có thể “làm tạm ổn các bài kiểm tra ngôn ngữ”, nhà nghiên cứu này cho biết, nhưng để xây dựng các kỹ năng lý luận cần thiết cho phần thi toán học là một vấn đề khác. Đó rõ ràng là một thử thách quá khó nhằn.