Điện toán đám mây, AI trong y tế hay giao tiếp giữa người và máy tính sẽ định hình ngành công nghệ năm 2021.
AI chăm sóc sức khỏe
AI đã được ứng dụng cho các hoạt động y tế, như phân tích hình ảnh, phân tích sức khỏe, quản lý hồ sơ hay thậm chí góp phần nghiên cứu vaccine. Tuy nhiên, với việc ngày càng được phát triển, AI sẽ được áp dụng cho các quy trình phức tạp hơn trong y tế, như phẫu thuật, sàng lọc thuốc, khám chữa bệnh tự động…
Giao tiếp giữa não người và máy tính
Việc liên kết bộ não con người với máy tính không phải là một ý tưởng mới. Nhưng vào năm 2021, công nghệ này sẽ phát triển mạnh nhất từ trước đến nay.
Giới khoa học dự đoán công nghệ mới sẽ cho phép não người giao tiếp trực tiếp với bất kỳ thiết bị máy móc nào. Mục tiêu cuối cùng là cho phép con người sử dụng máy móc như một phần mở rộng của cơ thể. Một trong những ứng dụng của công nghệ này là giúp những bệnh nhân bất tỉnh hoặc hôn mê giao tiếp với người xung quanh thông qua cánh tay robot hoặc thiết bị phiên dịch.
Xử lý dữ liệu dựa trên AI
Dữ liệu được thu thập ngày càng nhiều đang khiến các doanh nghiệp và tổ chức cảm thấy khó khăn hơn trong việc lưu trữ và quản lý bằng các kỹ thuật xử lý truyền thống. Vấn đề này có thể được giải quyết trong năm 2021 nhờ AI.
Việc vận dụng AI sẽ đẩy nhanh quá trình phân loại và xử lý, lưu trữ dữ liệu, từ đó làm tăng đáng kể hiệu quả. Ngoài ra, công nghệ này sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí hơn so với hiện tại.
Điện toán đám mây đang là xu hướng được quan tâm nhất
Cách phát triển sản phẩm và dịch vụ của các doanh nghiệp bị đánh giá là kém linh hoạt, chậm chạp và quá trình R&D kéo dài. Nguyên nhân là do việc lưu trữ dữ liệu chủ yếu được thực hiện trên các hạ tầng truyền thống như máy chủ hoặc các giải pháp lưu trữ vật lý.
Trong năm 2021, các chuyên gia cho rằng sẽ có làn sóng doanh nghiệp chuyển sang các nền tảng đám mây, do các dịch vụ này ngày càng được cải thiện, nhiều tính năng mới, trong khi tốc độ mạng Internet cũng đã nhanh hơn rất nhiều so với trước. Việc đưa mọi thứ lên “đám mây” cũng giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí về máy chủ và các thiết bị lưu trữ vật lý, trong khi nhân viên cũng chủ động hơn khi làm việc từ xa.
Thành phố thông minh được ưu tiên
Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, nhiều thành phố trên thế giới phải vật lộn với việc kiểm soát người dân, nhất là việc cố gắng phân bổ nguồn lực và nhân lực một cách hiệu quả để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Vấn đề này có thể được giải quyết với thành phố thông minh.
Cụ thể, năm 2021, nhiều thành phố trên thế giới sẽ bắt đầu hướng tới khái niệm trung tâm vận hành thông minh, tức là các trung tâm được hỗ trợ bởi AI, 5G, Big Data và IoT để có thể quản lý và phân bổ hiệu quả các nguồn lực của thành phố tốt hơn nhiều so với con người. Dựa trên các công nghệ này, việc phát hiện và nhắc nhở giãn cách xã hội, kiểm soát tắc đường, điều phối giao thông hay thậm chí là kiểm soát tội phạm cũng hiệu quả hơn.